BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH MÙA ĐÔNG XUÂN
Mùa đông tiết trời lạnh khí hậu lúc
khô hanh, lúc lại ẩm ướt, là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh
sôi và phát triển. Trong vô số các bệnh phát tác mạnh vào mùa đông, thì các
bệnh hô hấp, khớp và bệnh ngoài da là hay gặp nhất.
Đây là thời điểm thuận lợi làm tăng
các bệnh ở trẻ, nhất là ở những bé có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc
các bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm
bệnh (vi rút, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Đối với trẻ em,
đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi,
bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức
đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với
sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Một số bệnh thường
gặp vào mùa đông:
1. Viêm họng cấp
tính:
- Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp
cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, sốt, khàn
tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi.
- Nguyên nhân gây bệnh thường thấy do
loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A, có nhiều trường hợp do vi rút. Nếu
không được chữa trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến
chứng tại cơ tim và van tim hay còn gọi là thấp tim.
2. Viêm amidan
- Triệu chứng đầu tiên khi bị viêm
amindan, chúng ta sẽ cảm thấy khó nuốt, đau trong họng, cơn đau đôi khi kéo dài
nhiều giờ đồng hồ. Trẻ có thể lạc giọng hoặc mất hẳn giọng nói, cảm thấy rất
mệt mỏi và có thể sốt cao hơn 38oC.
- Bên cạnh đó, khi bị viêm amidan ta
sẽ cảm thấy miệng khô đắng, lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và góc hàm có thể nổi
hạch.
- Trong trường hợp bị viêm amidan mãn tính trẻ sẽ ngáy
khi ngủ và chủ yếu thở bằng miệng. Khi nói chuyện, trẻ sẽ phát âm giọng mũi
hoặc khó khăn khi phát âm. Tình trạng amidan mãn tính nếu không được điều trị
kịp thời có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ và sẽ ảnh hưởng đến chức
năng của tai .
3. Cúm
- Trẻ em là nhóm mắc căn bệnh này
nhiều do sức đề kháng chưa hoàn thiện khiến vi rút cúm dễ dàng gây bệnh. Trong
cúm, mầm bệnh là các vi rút cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày,
đặc tính vi rút là sinh sôi nảy nở nhanh nên có số lượng ồ ạt tấn công cơ thể,
nhất là những trẻ có hệ miễn dịch yếu.
- Triệu chứng thường thấy như sốt nhẹ,
có thể ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt
là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà
thời gian bệnh kéo dài hay rút ngắn, giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn. Thậm chí,
một số bệnh cúm diễn tiến nhanh và ồ ạt có thể khiến tử vong.
* Để phòng bệnh hô
hấp cần lưu ý 1 số vấn đề sau:
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh
ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu., nhất là khi
chúng ta đi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm,
- Không nên tiếp xúc với người có biểu
hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc
lá.
- Uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn
lấy trực tiếp từ tủ lạnh như: Kem, đá.
- Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn
cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ
quả.
- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng
chất có chứa nhiều trong các loại rau củ quả. Đây là những dưỡng chất quan
trọng vừa giúp các em phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng
như tăng cường hệ miễn dịch.
- Ngoài ra chúng ta còn cần phải thường xuyên giữ gìn
vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
để phòng bệnh.
4. Các bệnh về khớp
Bệnh viêm khớp: do thời tiết lạnh, ẩm
nên các bệnh xương khớp có dịp hoành hành. Viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút
là 3 bệnh dễ lên những đợt cấp tính nhất trong mùa đông. Viêm khớp dạng thấp là
bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề
như: dính, biến dạng khớp. Triệu chứng
của bệnh là viêm nhiều khớp (viêm cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân…) và diễn
biến kéo dài. Người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào buổi sáng, gây khó cử
động các khớp và kéo dài hàng giờ. Nếu thấy có các triệu chứng kể trên, bạn cần
đi khám và điều trị ngay. Nếu để kéo dài sẽ xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và
đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất
khả năng vận động của khớp.
Đối với các bệnh viêm khớp, khi trời lạnh, điều cần
làm đầu tiên chính là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là chân tay. Hạn chế ra ngoài khi
trời quá lạnh, mưa phùn. Những người bị bệnh gút cần phải kiêng hoàn toàn rượu,
bia và hạn chế các món ăn giàu đạm, giàu chất béo.
5. Bệnh da
Trời lạnh cũng là điều kiện thuận lợi
cho các bệnh ngoài da, đặc biệt là các bệnh như: mề đay, chàm, nứt gót chân…
phát triển.
- Mề đay thường phát triển nhiều hơn
khi từ môi trường có gió lạnh vào trong phòng ấm áp hơn. Một số người còn kèm
theo triệu chứng nhức đầu, hạ huyết áp, tím tái, phù thanh quản… Để tránh tình
trạng trên, những người có cơ địa dị ứng và hay nổi mề đay nên tránh ra ngoài
lúc trời lạnh và nên mặc quần áo ấm. Nên uống các thuốc kháng histamin khi mới
chớm có dấu hiệu mề đay để giảm và cắt cơn ngứa, vì khi mề đay đã nổi thì các
thuốc kháng histamin không có tác dụng.
- Chàm khô, hay còn gọi là bệnh ngứa
do lạnh, là hậu quả của trời lạnh và độ ẩm ở trong phòng gia tăng khiến da bị
giảm tiết mồ hôi và chất bã. Chất sừng của da bị mất nước khiến da trở nên khô
hơn, đóng ít vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội,
làm cho da bị trầy xước, thậm chí còn gây ra những chấm xuất huyết dưới da.
Những người bị chàm khô nên uống nhiều nước, tránh tắm nước nóng, dùng loại sữa
tắm có chất làm ẩm da và không có chất làm thơm. Bôi kem làm ẩm da ngay sau khi
tắm và nếu nặng thì uống thuốc chống dị ứng hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Hi vọng rằng sau buổi tuyên truyền ngày hôm nay, các
em HS đã trang bị thêm cho mình những kiến thức phòng các bệnh hay gặp trong
mùa đông hiệu quả nhất, để chúng ta luôn đảm bảo đủ sức khỏe trong vui chơi và
học tập. Xin kính chúc các thầy cô cùng toàn thể các bạn HS sức khỏe dồi dào và
1 tuần làm việc và học tập bổ ích!
BAN
GIÁM HIỆU