CÔNG THỨC 3 SẠCH
TRONG PHÒNG DỊCH TAY
– CHÂN – MIỆNG
Khi dịch tay chân
miệng bùng phát trở lại, các bậc làm cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thực hiện 3 sạch:
ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch để phòng bệnh.
Tay
chân miệng là một hội chứng bệnh do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở nhũ
nhi và trẻ em. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng và nổi ban có bọng
nước. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng.
Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt, trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có
thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành bọng nước và thường tiến triển
đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.
Ban da xuất hiện trong 1-2 ngày với
các tổn thương phẳng hoặc gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban
này không ngứa và thường khu trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Như vậy,
ban thường xuất hiện ở các vị trí tay, chân và miệng nên bệnh có tên tay chân
miệng.
Năm nay, bệnh tay chân miệng đánh
dấu sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 từng gây đại dịch trên
cả nước năm 2011. Điều đáng lo ngại là số ca mắc bệnh vẫn có xu hướng tiếp tục
gia tăng.
Dịch tay – chân – miệng trở lại
Theo
Cục Y tế dự phòng, tính đến đầu tháng 10, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp
mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 29.324 trường
hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía
Nam.
Số ca
bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm 1-5
tuổi, tuổi trẻ đi mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).
So với năm 2017, số ca
bị tay chân miệng cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Tuy
nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh
trong các tuần gần đây, chủ yếu trong miền Nam với 41.218 trường hợp (chiếm
77%). 6 trường hợp tử vong cũng được ghi nhận trong khu vực này, trong khi năm
2017 chỉ có một trường hợp tử vong do tay chân miệng và năm 2016 không có ca
nào.
Hiện bệnh tay chân miệng chưa có
thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng. Bệnh thường lây lan nhanh vào
tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là vào đầu năm học mới do vệ sinh cá
nhân, môi trường chưa đảm bảo, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ chưa thật sự
nhuần nhuyễn.
Bệnh do vi trùng đường ruột
Ente'virus (EV71) và Coxcakieruses gây ra, chủ yếu lây theo đường tiêu hoá.
Điều đáng lo ngại là khoảng 21% trẻ mắc bệnh tay chân miệng năm nay do EV71 -
chủng virus dễ gây biến chứng nặng và tử vong nhất.
EV71 là
chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng
nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 gây
biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây
bệnh tay chân miệng. Đây cũng là loại virus có thể gây viêm não và các hội
chứng não cấp, khiến bệnh nặng hơn.
Sau khoảng thời gian 24 giờ, virus
sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây chúng xâm nhập vào máu gây
nhiễm khuẩn huyết trong một khoảng thời gian ngắn. Từ nhiễm khuẩn huyết, virus
đến niêm mạc miệng và da.
Virus
gây bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hoá và thường trải qua 3 giai đoạn: khởi
phát (kéo dài 1-2 ngày), toàn phát (kéo dài 3-10 ngày) và lui bệnh (trẻ hồi
phục trong 3-5 ngày nếu không có biến chứng).
Công thức “3 sạch” trong phòng bệnh
Virus
tay chân miệng lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa, các chất tiết từ mũi
miệng, phân của trẻ bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nguy cơ
lây lan mạnh nhất là trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh. Bệnh lây truyền
trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi
họng lúc trẻ hắt hơi, ho. Vì vậy ở lớp học, trẻ nhiễm bệnh dễ dàng lây lan cho
nhiều bạn khác. Nếu nhiễm bệnh, trẻ nên được cách ly ở nhà, không tới trường
trong vòng 10-14 ngày đầu.
Virus
tay chân miệng tồn tại 3-6 ngày trong cơ thể trẻ trước khi gây ra những triệu
chứng đầu tiên. Sau khi khỏi bệnh, virus vẫn tồn tại trong đường hô hấp của bé
1-3 tuần, trong phân vài tuần đến vài tháng. Vì vậy, ngay cả khi khỏi bệnh, cha
mẹ vẫn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé, tránh để bé tiếp xúc nhiều với trẻ
khỏe mạnh làm dịch nghiêm trọng hơn.
Để
ngừa tay chân miệng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở
sạch, bàn tay và đồ chơi sạch.
Theo đó, phụ huynh cần tập cho trẻ
thói quen rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Trước
khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh,
sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, phụ huynh cũng cần phải vệ sinh tay
sạch sẽ. Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo
được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi.
Các bậc phụ huynh không nên mớm thức
ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, ti giả; cắt móng tay
và chân cho trẻ sạch sẽ.
Đồ chơi, sàn nhà, khăn mặt cũng phải
thường xuyên làm sạch bằng xà phòng, sau đó khử trùng bằng Chloramin B 5%. Việc
tắm rửa và vệ sinh hàng ngày nên dùng xà bông, bởi sữa tắm không đủ khả năng
diệt khuẩn. Phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật
dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng; không cho bé tiếp xúc với trẻ bệnh
khác hoặc người nghi ngờ mắc tay chân miệng.
Tay
chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Theo dõi
trẻ sát sao, vệ sinh thân thể đúng cách, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng…
là những việc mẹ nên làm.
Theo dõi bệnh: Cha mẹ nên theo dõi
cơn sốt của trẻ, cho bé uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C theo chỉ dẫn
của bác sĩ, chọn thuốc vị cam dễ uống nếu trẻ dễ nôn trớ. Liều đúng là 10-15 mg
paracetamol/kg cân nặng mỗi lần. Ví dụ, trẻ nặng 10-15 kg sẽ dùng một gói thuốc
hạ sốt Hapacol chứa 150 mg paracetamol. Phụ huynh chỉ lặp lại liều tiếp theo
sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, tổng liều không quá 60 mg/kg trong 24 giờ. Trường
hợp trẻ sốt cao không đáp ứng với paracetamol, phụ huynh cần dùng chế phẩm chứa
ibuprofen.
Vệ sinh cơ thể: Phụ huynh cần cho trẻ tắm trong phòng kín gió với xà
phòng sát khuẩn vì sữa tắm không đủ khả năng diệt khuẩn. Ngoài ra, trẻ cần được
vệ sinh răng lưỡi hàng ngày bằng nước muối để tránh bội nhiễm.
Tránh
bọc bé trong chăn kín, kiêng gió và ánh nắng mặt trời là điều phụ huynh nên làm
bởi chúng sẽ khiến bệnh nặng hơn. Một số cha mẹ sốt ruột chọc vỡ bóng nước, đây
là điều không nên làm bởi chúng sẽ dần xẹp xuống và mất đi.
Bên cạnh đó, các loại quần áo, tã
lót, khăn… của trẻ bị bệnh tay chân miệng sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần
sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha hóa chất Cloramin B và không giặt
chung với quần áo của trẻ không mắc bệnh.
Dinh dưỡng: Trẻ loét
miệng cần ăn thực phẩm mềm mịn, mát lạnh tạo cảm giác dễ chịu như cháo, sữa,
sữa chua, nước ép hoa quả… Trẻ mắc chân tay miệng thường rất biếng ăn, vì
vậy phụ huynh nên chia thành nhiều bữa. Trẻ còn bú mẹ thì cần tăng số cữ vì mỗi
lần bé bú ít đi. Sau khi ăn, bé nên súc miệng sạch sẽ và nghỉ ngơi 3-4 giờ mới
ăn bữa khác. Thực phẩm cay, nóng, cứng hay nước nóng hoặc quá lạnh cũng làm trẻ
thêm đau miệng và dễ viêm loét nên cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Thăm khám y tế: Phần lớn trẻ mắc tay chân miệng sẽ khỏi trong vòng 7-10
ngày mà không cần điều trị. Song phụ huynh cần đưa bé đến bệnh viện ngay nếu
trẻ sốt cao trên 39 độ C, kéo dài hơn 48 tiếng và không đáp ứng với thuốc hạ
sốt chứa paracetamol, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình khi
ngủ, chới với, run giật tay chân, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân...
Nếu
để trễ 6-12 tiếng, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chân tay, trợn mắt,
rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến
chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong.